Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 13 văn kiện đã được các cơ quan của hai bên ký kết; trong đó có Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Với Nghị định thư trên, Trung Quốc đồng ý cho quả chuối tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang nước này, qua đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân trồng chuối và sẽ là bước tiến lớn trong việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất yên tâm hướng đến đầu tư phát triển bền vững với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nghị định thư với các quy định cụ thể còn có ý nghĩa tạo “cú hích” giúp chúng ta thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Khi nông sản của Việt Nam được nâng tầm thương hiệu, được xuất khẩu chính ngạch vào nhiều thị trường khác nhau trong đó có thị trường lớn như Trung Quốc, thì chúng ta buộc phải sản xuất theo quy chuẩn.
Cụ thể, nội dung Nghị định thư có 8 điều, trong đó điều 2 quy định: Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), được Bộ này và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trước khi xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký để phê duyệt và cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được công bố trên trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo giải thích của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc đáp ứng được những chuẩn mực của thị trường xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội. Trước hết, thay vì đi buôn thì chuyển sang hình thức hợp tác để xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả 2 bên.
Nếu như trước kia chỉ kiểm soát ở Việt Nam, sau đó được kiểm tra lại khi lên cửa khẩu, bây giờ muốn xuất khẩu chuối sang Trung Quốc phải có sự kiểm định theo tinh thần của Nghị định thư cũng như của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Như vậy, chúng ta xuất khẩu quả chuối lên cửa khẩu sẽ giảm được nhiều thời gian thông quan, tần suất kiểm tra, tránh được tình trạng ùn ứ nông sản, trong đó có chuối.
Với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối, chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác, bên cạnh đó, thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu cho cả một ngành hàng chuối tươi. Khi chuẩn hóa được việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện và quan trọng nhất ở đây là giảm được rủi ro về thị trường.
Trong thực tế những năm qua, ở nhiều nơi bà con nông dân đã chịu thiệt thòi, thua lỗ do sản xuất nông nghiệp theo phong trào và không theo quy chuẩn, dẫn đến sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Chính vì vậy trên truyền thông thường xuất hiện tình trạng xe chở nông sản của Việt Nam bị ùn ứ, thậm chí có những xe phải quay đầu hoặc đổ bỏ nông sản do bị hỏng ở các cửa khẩu phía Bắc.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có vấn đề là các thương lái quen làm ăn theo kiểu xuất khẩu tiểu ngạch, trao tay hàng hóa tại cửa khẩu giữa hai nước dẫn đến các đơn hàng không có tính ổn định. Đồng thời, người nông dân không có thông tin về thị trường nên có thời điểm sản xuất ồ ạt, cung vượt cầu dẫn đến gặp khó trong tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, để góp phần giải quyết thực trạng, chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn để hướng tới xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khác nhau trên thế giới. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất chính ngạch, các đơn hàng xuất khẩu ổn định, thông tin thị trường được minh bạch, người nông dân sẽ tự biết điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó giảm thiểu hiện tượng nông sản bị đổ bỏ tại ruộng hay tại cửa khẩu.
Lãnh đạo ngành NN&PTNT cho hay, sau chuối, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục xây dựng những đề án sản xuất cho từng loại nông sản đối với từng thị trường khác nhau, giúp người nông dân tiếp cận, làm quen dần và sản xuất theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn đề ra.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu chuối và sầu riêng có trị giá tăng trong 8 tháng đầu năm, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Còn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đạt 237 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường 1,4 tỷ dân này không còn “dễ tính” như trước nữa, các mặt hàng nông sản nhập khẩu đều phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe và Nghị định thư nói trên là một ví dụ.
Được biết đến nay có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.
Giữa tháng 9 vừa qua, 20 công hàng (khoảng 25 tấn/công) sầu riêng từ các nhà vườn Đắk Lắk đã lên đường xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Một hành trình suốt bốn năm đàm phán và chuẩn bị nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng chuối cả nước khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Thời gian qua, đây cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sau thanh long, xoài. Hiện nay, hai bên đang đàm phán để ký kết xuất khẩu khoai lang và quả bưởi tươi sang Trung Quốc.
Mong rằng những “cú hích” xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần giúp chúng ta thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều hơn nông sản chất lượng, an toàn để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
Comments (No Responses )
No comments yet.